Phát triển mobile banking
Trong những năm gần đây, sự tăng trưởng của thị trường smartphone và mối gắn kết ngày càng chặt chẽ của người sử dụng với chiếc điện thoại di động đã tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ ngân hàng di động – Mobile Banking.
Dịch vụ Mobile banking
Theo số liệu của International Data Corporation (IDC), thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã tăng trưởng 25,3% so với quý II năm trước, thiết lập kỉ lục mới với 300 triệu điện thoại bán ra/1 quý. Còn tại thị trường ASEAN, Việt Nam là một trong ba thị trường tăng trưởng hàng đầu Đông Nam Á. Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự tăng trưởng nóng về smartphone đã tạo ra một mảnh đất màu mỡ và tiềm năng để các ngân hàng phát triển dịch vụ Mobile Banking.
Theo nghiên cứu của Juniper Research, số lượng người dùng Mobile Banking toàn cầu sẽ vượt mốc 1 tỷ vào năm 2017, so với 800 triệu hiện nay, chiếm 15% tổng số thuê bao di động. Còn theo khảo sát của Edgar Dunn, công ty tư vấn về dịch vụ tài chính toàn cầu thì trong vòng 5 năm tới điện thoại di động được đánh giá là kênh thanh toán phát triển nhất tại các quốc gia.
Xu hướng nào cho sự phát triển Mobile Banking?
Các ngân hàng coi kênh giao tiếp qua điện thoại di động như một công cụ không thể thiếu đối với một ngân hàng hiện đại. Mobile Banking trở thành chiến lược chính để giữ chân khách hàng và được xem như lợi thế cạnh tranh trên thị trường Ngân hàng – Tài chính sôi động.
Sự phát triển vũ bão của internet, công nghệ di động (3G, LTE/4G…) là tiền đề để Mobile Banking có những bước phát triển nhảy vọt. Tuy nhiên, trên thực tế, dịch vụ Mobile Banking vẫn chưa được khai thác như kì vọng. Hầu hết các ngân hàng mới chỉ đáp ứng được một số nhu cầu cơ bản của khách hàng như thông báo biến động số dư, chuyển khoản, truy vấn thông tin tài khoản, xem lịch sử giao dịch, tra cứu thông tin tỷ giá… mà chưa thực sự quan tâm đến những trải nghiệm mang đến cho khách hàng.
Theo phân tích của Varolii Corporation, 52% người dùng điện thoại thông minh và máy tính bảng đã tải về ứng dụng Mobile Banking, khoảng 40% nói rằng họ đã nghĩ đến việc xóa các ứng dụng này. Và sự không hài lòng về ứng dụng thậm chí còn cao hơn ở phân khúc 18-34 tuổi. Rõ ràng, những kỳ vọng của khách hàng về Mobile Banking đã không được đáp ứng. Như vậy, ngoài các tính năng cơ bản, các ngân hàng cần phải lưu tâm đến giá trị trải nghiệm và các tiện ích gia tăng cho khách hàng. Đây sẽ là “chìa khóa vàng” để khai thác dịch vụ Mobile Banking một cách tối ưu.
Với cách tiếp cận mới, gần đây, một số ngân hàng đã bắt đầu quan tâm đến các tiện ích gia tăng dành cho khách hàng. Theo đó, ứng dụng Mobile Banking không chỉ cung cấp các chức năng cơ bản về tài chính mà còn cung cấp các tiện ích phi tài chính như tra cứu thông tin (ATM, chi nhánh,…), giải trí (dự đoán bóng đá, game, đọc tin tức…) và đặc biệt là tính năng trao đổi thông tin, chia sẻ hình ảnh, âm thanh, chat trực tuyến trên nền công nghệ OTT (giải pháp truyền thông dữ liệu trên nền tảng internet). Ở khía cạnh này, ứng dụng đã thoát ra khỏi những khuôn khổ của một sản phẩm ngân hàng điện tử thông thường.
Được biết, thời gian tới, một số ngân hàng sẽ tiếp tục cho ra mắt tiện ích mới trên Mobile Banking dựa trên nền tảng công nghệ OTT. Có thể nói, đây là một xu hướng mới thể hiện sự nhạy bén của các ngân hàng Việt trong bối cảnh công nghệ là yếu tố then chốt, đột phá để hiện đại hóa ngân hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh & tăng khả năng tiếp cận khách hàng trong thời đại số.
Click vào đây để biết thêm so sánh mobile banking và sms banking
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét